Các thiết kế thế kỷ XX Dime_(tiền_xu_Hoa_Kỳ)

Barber (1892–1916)

1892 Barber Dime

Đồng xu Barber được đặt theo tên nhà thiết kế Charles E. Barber, người từng là Giám đốc khắc của Xưởng đúc tiền Hoa Kỳ từ năm 1879 đến năm 1917, cũng là nhà thiết kế đã thiết kế ra mẫu tiền này. Ngoài đồng dime - 10 xu, thiết kế mặt chính này cũng xuất hiện trên đồng quarter - 25 xu và đồng nửa đô la trong cùng một thời kỳ.[10]

Đồng dime với thiết kế Barber, giống như tất cả các đồng xu trước đó, khắc họa hình ảnh của Nữ thần Tự do trên mặt sau. Nữ thần được phác họa ảnh đang đội một chiếc mũ Phrygian, vòng nguyệt quế với một dải ruy băng và một chiếc băng đô có dòng chữ "LIBERTY". Dòng chữ này là một trong những yếu tố quan trọng được sử dụng để xác định tình trạng chất lượng của đồng xu Barber dime.[11] Các đồng dime được sản xuất ở bốn cục đúc tiền đang hoạt động tại thời gian này của Hoa Kỳ: Philadelphia (không có mintmark; 1892-1916), Denver (D; 1906-1912,1914), New Orleans (O; 1892-1903, 1905-1909), San Franisco (S; 1892-1916).[12][13]

Mercury dime (1916–1945)

Mercury dime 1936

Mặc dù thường được gọi là đồng xu "Mercury", đồng dime trong giai đoạn này không phải khắc họa hình ảnh vị thần đưa tin Mercurius trong thần thoại La Mã. Hình ảnh khắc ở mặt trước mô tả nữ thần Tự do đội mũ Phrygian, một biểu tượng cổ điển của phương Tây về sự tự do và nền tự do, đính kèm hình ảnh một đôi cánh, tượng trưng cho sự tự do tư tưởng. Được thiết kế bởi nhà điêu khắc nổi tiếng Adolph A. Weinman, đồng Mercury dime được nhiều người nhận định là một trong những thiết kế đồng xu Hoa Kỳ đẹp nhất từng được sản xuất.[14] Thiết kế này được gán cho biệt danh Mercury bởi vì hình ảnh gây gợi nhớ về vị thần La Mã cùng tên.[1][15]

Seri Mercury dime là một trong các seri tiền xu phổ biến nhất trong giới sưu tập tiền xu Hoa Kỳ.[15]

Franklin D. Roosevelt (1946–nay)

Không lâu sau khi Tổng thống Franklin D. Roosevelt qua đời, dân biểu Ralph H. Daughton từ Virginia đưa ra luật kêu gọi thay thế thiết kế đồng xu Mercury dime bằng một thiết kế khác khắc họa hình ảnh cố tổng thống.[16] Mệnh giá đồng xu này được chọn để tôn vinh Roosevelt một phần do những nỗ lực của ông trong việc thành lập Quỹ Quốc gia về bệnh bại liệt ở trẻ sơ sinh (sau này quỹ có tên March of Dimes), ban đầu gây quỹ cho nghiên cứu bệnh bại liệt và hỗ trợ các nạn nhân của căn bệnh này cũng như gia đình của họ.[17]

Với thời gian ngắn và gấp rút để thiết kế lại đồng dime mới, đồng xu khắc họa hình ảnh Roosevelt là đồng xu Hoa Kỳ lưu hành thường xuyên đầu tiên được thiết kế bởi một nhân viên của Cục đúc tiền trong vòng hơn 40 năm trở lại, tính đến thời điểm đó. Thợ khắc chính John R. Sinnock đã được chọn để làm nhiệm vụ này, do ông từng thiết kế một huy chương của cục đúc với hình ảnh tổng thống Roosevelt.[16] Sinnock lần lượt đệ trình hai thiết kế: thiết kế thứ nhất bị từ chối đệ trình vào tháng 10 năm 1945 và thiết kế thứ hai được chuẩn thuận vào tháng 1 năm 1946.[18] Đồng xu chính thức phát hành vào ngày 30 tháng 1 năm 1946, vào dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 64 của cố tổng thống Roosevelt.[1][19] Sinnock đã đặt vị trí hai ký tự viết tắt tên của mình ("JS") ở cổ của Roosevelt, trên mặt sau của đồng xu. Các đặc điểm trên mặt sau của đồng xu gồm một ngọn đuốc, cành ô liu và cành sồi, với ý nghĩa tượng trưng lần lượt cho cho sự tự do, hòa bình và sức mạnh.[1][18]

Tranh cãi nổ ra một cách gay gắt vì xu hướng chống chủ nghĩa Cộng sản mạnh mẽ tại Hoa Kỳ, làm lan truyền tin đồn hai ký tự viết tắt "JS" khắc trên đồng xu là hai ký tự viết tắt tên Joseph Stalin, có mặt trên đồng xu vì một đặc vụ Liên Xô hoạt động tại cục đúc tiền.[16][20][21][22] Các thông báo từ chính phủ bác bỏ tin này,[23] cục đúc tiền nhanh chóng đưa ra một tuyên bố phủ nhận điều này, đồng thời xác nhận rằng hai ký tự viết tắt JS là viết tắt của tên John Sinnock. Tin đồn tương tự cũng lan truyền sau khi phát hành đồng xu nửa đô la Franklin được thiết kế bởi Sinnock vào tháng 4 năm 1948.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Dime_(tiền_xu_Hoa_Kỳ) http://www.snopes.com/business/money/dime.asp https://coinweek.com/modern-coins/roosevelt-dimes-... https://www.pcgs.com/coinfacts/category/mercury-di... https://www.pcgs.com/coinfacts/category/roosevelt-... https://www.pcgs.com/news/why-is-roosevelt-on-the-... https://www.usatoday.com/news/washington/2003-12-0... https://uscoinnews.com/2019/11/18/coin-history-the... https://www.usmint.gov/coins/coin-medal-programs/c... https://www.usmint.gov/learn/coin-and-medal-progra... https://www.usmint.gov/learn/collecting-basics/min...